Tìm kiếm tin tức
Biển, đầm phá Phong Điền chuyển mình
Ngày cập nhật 18/05/2015

(TTH) - Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các xã ven biển, đầm phá Ngũ Điền của huyện Phong Điền tích cực chuyển đổi mô hình, phát triển kinh tế thủy, hải sản, nâng cao đời sống người dân.


Ngư dân xã Phong Hải đầu tư, mua sắm ngư lưới cụ, tích cực bám biển phát triển kinh tế

 

 Vùng ven biển, đầm phá và bộ phận dân cư sinh sống bằng nghề ngư nghiệp và khai thác thủy hải sản ở Phong Điền phân bố chủ yếu ở các xã Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải và Phong Hải. Hiện toàn vùng có 116 thuyền khai thác biển, với sản lượng đánh bắt bình quân đạt 1.150 tấn; 171 thuyền máy và thuyền tay, khai thác đầm phá, tập trung chủ yếu ở xã Điền Hòa và Điền Hải, Phong Hải. Tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản nước ngọt của Phong Điền rộng khoảng 700 đến 800ha.

Ông Phan Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết: Liên tiếp những năm gần đây, ngư dân vùng Ngũ Điền cũng đã mạnh dạn đầu tư, tận dụng đất đai bỏ hoang để nuôi trồng thuỷ hải sản, nhất là nuôi tôm trên cát. Đến nay, toàn xã Phong Hải có 65 ha, với 94 nhóm hộ tham gia nuôi tôm, với sản lượng bình quân hàng năm đạt 3.780 tấn. Tổng thu nhập 529 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 464 lao động, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền - ông Trần Lợi cho biết: “Ngoài động viên, khuyến khích người dân huyện có những chính sách để giúp người dân mua sắm thêm nông cụ phục vụ khai thác thủy, hải sản, tạo việc làm, tăng thu nhập. Riêng xã Phong Hải đã có 54 thuyền máy đánh bắt gần bờ, với hàng trăm hộ dân tham gia. Nhiều hộ được ngân hàng hỗ trợ vay vốn đầu tư mua sắm thêm các loại lưới, lừ khai thác thủy hải sản trên biển. Cuộc sống người dân đổi thay đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn mới ở các xã vùng ven biển, đầm phá”.“Việc đánh bắt xa bờ bằng hình thức lưới rê, lưới quét, lưới hố, lưới mực, mành nục, lưới trích, mành đèn cải tiến... ngày càng được người dân trong xã đưa vào khai thác. Sản lượng thủy sản hàng năm đạt 900 tấn, vừa cho thu nhập, vừa giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương”.

Cơ chế, chính sách hợp lý của huyện, sự tuân thủ các quy định, quy hoạch, xử lý môi trường... của các địa phương và người dân chính là yếu tố thắng lợi trong nuôi tôm trên cát ở Phong Điền. Chính sách hỗ trợ các hộ, nhóm hộ nuôi tôm trong việc đầu tư xây dựng ao xử lý nước thải được huyện triển khai hiệu quả. Bình quân 10 ha, xây dựng 1 ha ao hồ xử lý nước thải với kinh phí khoảng 300 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 30% kinh phí.

Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hải Hoàng Văn Thanh nhớ lại: “Năm 2008 thực hiện chủ trương của UBND huyện Phong Điền về việc tổ chức quy hoạch nò sáo trên phá Tam Giang để phát triển kinh tế vùng đầm phá bền vững, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung đánh giá, phân tích nguyên nhân tồn tại vai trò trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Theo đó, xã đã thành lập 3 chi hội nghề cá và giao mặt nước cho bà con đầu tư vừa đánh bắt, nuôi trồng vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ 81 trộ sáo, sau quy hoạch lại còn 40 trộ sáo; trong đó, quy hoạch bãi đẻ 17,7 ha, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển lượng cá giống. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của người dân không ngừng nâng lên”.

Ông Phan Dũng, ngư dân xã Phong Hải bộc bạch: “Có được nhà xây kiên cố để ở, có xe mô tô tay ga để đi lại, cuộc sống gia đình cũng khá lên từng ngày là nhờ vào tôm cả. Nuôi tôm, kết hợp đi biển cho thu nhập ổn định, nhiều hộ gia đình của xã đã giàu lên”.

Biết phát huy lợi thế, lại tạo được cơ chế thông thoáng, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài đã không ngần ngại khi đến đầu tư phát triển kinh tế khai khoáng, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản trên địa bàn huyện Phong Điền. Các dự án của Công ty Cổ phần C.P Chăn nuôi Việt Nam đầu tư ở vùng ven biển, đầm phá ở Phong Điền đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ mở rộng diện tích nuôi tôm thương phẩm trên vùng cát, công ty còn xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống để phục vụ nuôi tôm tại chỗ và cung cấp giống tôm cho người dân trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.

“Nhiều giống lúa có năng suất cao được khảo nghiệm và đưa ra sản xuất trên diện rộng; các mô hình trồng rau màu trên cát ở xã Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Môn, Điền Hương mở ra hướng đi mới cho vùng cát nội đồng, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn cải tạo vùng cát nội đồng thành vùng đất màu mỡ, hạn chế ô nhiễm môi trường. Hiện nay, vùng ven biển của huyện Phong Điền đã quy hoạch một số bãi tắm và khu du lịch quy mô nhỏ. Trong tương lai, đây là nơi có tiềm năng phát triển về du lịch biển, đầm phá”, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ông Nguyễn Đại Vui khẳng định hướng phát triển trong những năm tới ở vùng ven biển, đầm phá.

                                                                                                                             Bài, ảnh: Anh Phong
                                                                                                                                                             (Nguồn: WWW.baothuathienhue.vn)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 848.349
Truy cập hiện tại 102