Tìm kiếm tin tức
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2018
Ngày cập nhật 26/09/2018

Chế độ hỗ trợ người có công với cách mạng đang định cư ở nước ngoài; văn bản điện tử phải được gửi ngay trong ngày ký ban hành; Hiệu trưởng trường phổ thông phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn; Ai được quyền khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về tài sản công; Hạn mức tối đa trong Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2018.

1. Chế độ hỗ trợ người có công với cách mạng đang định cư ở nước ngoài

Nghị định 102/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 20/07/2018 quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 05/09/2018.

2. Văn bản điện tử phải được gửi ngay trong ngày ký ban hành

Theo Quyết định 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/07/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Theo đó, văn bản điện tử phải được gửi ngay trong ngày văn bản đó ký ban hành, chậm nhất là trong buổi sáng của ngày làm việc tiếp theo. Văn bản điện tử đến sau khi được tiếp nhận, nếu bảo đảm giá trị pháp lý phải được xử lý kịp thời, không phải chờ văn bản giấy (nếu có).

Trường hợp văn bản điện tử thuộc loại khẩn phải được đặt ở chế độ ưu tiên, ghi rõ mức độ khẩn, gửi ngay sau khi đã ký số và phải được trình, chuyển giao xử lý ngay sau khi tiếp nhận;

Quyết định có hiệu lực thi hành từ 6/9/2018

3. Hiệu trưởng trường phổ thông phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn

Theo Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20/7/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thong. Theo đó, hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn gồm: 1- Phẩm chất nghề nghiệp; 2- Quản trị nhà trường; 3- Xây dựng môi trường giáo dục; 4- Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội; 5- Sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Về quy trình đánh giá, Thông tư nêu rõ: Hiệu trưởng tự đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng; Nhà trường tổ chức lấy ý kiến giáo viên, nhân viên trong trường đối với hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng.

Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện đánh giá và thông báo kết quả đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng trên cơ sở kết quả tự đánh giá của hiệu trưởng, ý kiến của giáo viên, nhân viên và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng thông qua các minh chứng xác thực, phù hợp.

Hiệu trưởng tự đánh giá theo chu kỳ một năm một lần vào cuối năm học.

Cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá hiệu trưởng theo chu kỳ hai năm một lần vào cuối năm học. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan quản lý cấp trên quyết định rút ngắn chu kỳ đánh giá.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 4/9/2018

4. Trường đại học công khai cam kết chất lượng giáo dục trên trang Thông tin điện tử

Theo Thông tư 15/2018/TT-BGDĐT ngày 27/7/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử và trang thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm. Theo đó, thông tin công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học bao gồm: Nhóm thông tin công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; nhóm thông tin công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; nhóm thông tin công khai thu chi tài chính.

Thông tư có hiệu lực từ 11/9/2018

5.  Thay đổi điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng

Theo quy định tại Nghị định 100/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16/07/2018, điều kiện chung cấp chứng chỉ hành nghề về xây dựng đã được thay đổi so với trước đây. Cụ thể:

- Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng II phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có 04 năm kinh nghiệm trở lên, trước đây là 05 năm;

- Cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng III phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có 02 năm kinh nghiệm trở lên với người có trình độ đại học (trước đây là 03 năm); từ 03 năm trở lên với người có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp (trước đây là 05 năm).

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/9/2018.

6. Quyền khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công

Việc quản lý, vận hành, trao đổi và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư 67/2018/TT-BTC ngày 06/08/2018.

Theo đó, Bộ Tài chính được khai thác thông tin về tài sản công của cả nước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia. Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền khai thác thông tin tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong Cơ sở dữ liệu quốc gia.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản kê khai trong Cơ sở dữ liệu quốc gia có quyền khai thác thông tin tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đơn vị trực thuộc.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/9/2018.

7. Thay đổi thời hạn công bố điều kiện đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài

Theo Thông tư 19/2018/TT-BCT quy định về xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương; Thông tư quy định thời hạn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nội dung công bố điều kiện đầu tư - kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài là 5 ngày làm việc (nghĩa là có trường hợp có thể dài hơn so quy định hiện nay là 5 ngày) kể từ ngày văn bản pháp quy được ban hành.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ phải trình văn bản hợp nhất cho Bộ trưởng ký xác thực trong thời hạn cụ thể như sau: Đối với VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản sửa đổi, bổ sung do Văn phòng Chính phủ gửi đến; Đối với Thông tư/Thông tư liên tịch là 5 ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành, đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm hoàn thành việc hợp nhất và trình Bộ trưởng ký xác thực văn bản hợp nhất.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 03/9/2018

8. Ghi giảm vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước

Thông tư 219/2015/TT-BTC về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp được sửa đổi tại Thông tư 59/2018/TT-BTC ngày 16/07/2018 của Bộ Tài chính.

Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động được giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong các trường hợp:

- Do thực tế hoạt động doanh nghiệp, cần thiết phải giảm quy mô hoạt động;

- Trường hợp cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo hình thức tách doanh nghiệp;

- Do thay đổi chính sách doanh nghiệp không còn thuộc đối tượng được Nhà nước đầu tư vốn…

Trong các trường hợp trên, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện thủ tục thay đổi và công bố thông tin về vốn điều lệ trong giấy đăng ký kinh doanh theo quy định.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/9/2018.

9. Siết quản lý Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia

Theo Thông tư 37/2016/TT-NHNN về quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia; quy định việc thanh toán nợ giữa các thành viên không phải là đơn vị NHNN phải có hợp đồng ủy quyền trước.

Nợ giữa các thành viên trong hợp đồng ủy quyền trước hoặc văn bản thỏa thuận về việc thanh toán phải bao gồm tối thiểu các yếu tố sau: Hạn mức tối đa trong ngày được thanh toán nợ giữa các thành viên; Hạn mức tối đa của một Lệnh thanh toán nợ không cần xác nhận nợ; Thời hạn hiệu lực của hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận.

Hệ thống biểu mẫu về thanh toán điện tử liên ngân hàng được quy định chi tiết tại Phụ lục kèm theo Thông tư 37.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2018

Đài Truyền thanh huyện (tổng hợp)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 963.170
Truy cập hiện tại 125