Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
UBND huyện triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới
Ngày cập nhật 24/04/2019

Để cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch số 56-KH/TU ngày 01/6/2018 của Huyện ủy Phong Điền về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; về công tác dân số trong tình hình mới. Ngày 30/3/2019, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

 

Theo đó, Kế hoạch xác định 09 nhóm chỉ tiêu cần thực hiện từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, cụ thể phải đảm bảo duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; nâng tuổi thọ trung bình khoảng 75 tuổi.  Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số; người tham gia tiêm chủng mở rộng trên 98,5% với 12 loại vắc xin; giảm tỉ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 5%0. Về chất lượng dân số đảm bảo trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 8%; béo phì ở người trưởng thành dưới 12%. Chiều cao trung bình của thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 167 cm, nữ là 156 cm trở lên; phấn đấu trên 90% dân số được quản lý sức khỏe, trên 95% trạm y tế xã, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; có ít nhất 30 bác sỹ, 80 giường bệnh/ 1 vạn dân với hơn 85% dịch vụ y tế được người dân đáng giá hài lòng.

Để thực hiện đạt được các chỉ tiêu trên, UBND huyện đề ra 11 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện như:

1. Tăng cường chỉ đạo, điều hành:  Cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, coi đây là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Thống nhất nhận thức, quyết tâm hành động của toàn huyện, các cơ quan, đơn vị và của mỗi người dân trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho bản thân, gia đình, cộng đồng;  Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế và các lĩnh vực ảnh hưởng đến sức khoẻ như môi trường, thể dục, thể thao, văn hoá… vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chế độ, chính sách về y tế và các lĩnh vực liên quan tới sức khoẻ. Tăng cường công tác phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội và của cả cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; xây dựng nếp sống văn minh, tham gia bảo hiểm y tế toàn dân và thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh.

2. Phát triển và hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân: Ngành y tế và UBND các xã, thị trấn rà soát, đánh giá lại điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, hiệu quả hoạt động và nhu cầu của hệ thống cơ sở y tế hiện có, đề xuất củng cố, nâng cấp các trạm y tế xã, thị trấn, trong đó ưu tiên cho các cơ sở y tế ở miền núi, ven biển và đầm phá, các xã xây dựng Nông thôn mới; đưa các dịch vụ y tế đến gần dân, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

3. Đẩy mạnh đồng bộ các biện pháp để nâng cao sức khoẻ nhân dân: Bằng việc tăng cường vận động để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi của người dân trong công tác bảo vệ, nâng cao sức khỏe; đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, sữa học đường, dinh dưỡng học đường; bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường luyện tập thể dục thể thao; vận động toàn dân giữ gìn vệ sinh môi trường để mọi người dân sống trong môi trường trong sạch, không hút thuốc lá, không lạm dụng bia rượu; tăng cường công tác y tế học đường; phòng chống bệnh nghề nghiệp. Đẩy mạnh phát huy các chương trình dinh dưỡng, phòng chống thiếu vitamin A, phòng chống rối loạn I ốt, chương trình sữa học đường,… ứng dụng quản lý sức khỏe bằng hồ sơ sức khỏe  điện tử toàn dân tại 16 trạm y tế xã, thị trấn, phát hiện sớm và quản lý lâu dài các bệnh mạn tính và các bệnh không lây nhiễm để giảm biến chứng, giảm tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống.

4. Phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cấp cơ sở: Triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; chú trọng dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật; đẩy mạnh quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở. Đẩy mạnh kết hợp quân dân y. Kết nối y tế cơ sở với các phòng khám tư nhân, phòng chẩn trị đông y. Chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng xa, vùng bị khó khăn. Quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh và các đối tượng ưu tiên; phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi phù hợp.

5. Chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế thường xuyên được nâng cao: Thực hiện đúng phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị theo quy định của ngành y tế. Thực hiện lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh; lộ trình liên thông để người dân được hưởng dịch vụ có chất lượng. Tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh.

6. Chú trọng đẩy mạnh phát triển ngành Dược: Bằng cách đào tạo cán bộ dược có trình độ đại học và sau đại học để đáp ứng đủ chỉ tiêu Dược sĩ đại học theo quy định, Bảo đảm thuốc đủ về số lượng, tốt về chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh, phục hồi chức năng. Phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, khảo sát, quy hoạch trồng một số loại cây dược liệu trên địa bàn huyện; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hành nghề dược trên địa bàn.

7. Quan tâm phát triển mạnh y dược học cổ truyền: Thực hiện chương trình phát triển y học cổ truyền, tăng cường kết hợp với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khoẻ. Tăng chỉ tiêu số lượt khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trung tâm y tế huyện và trạm y tế các xã, thị trấn.

8. Đầu tư phát triển nhân lực, ứng dụng khoa học và công nghệ trong y tế: Song song với việc thực hiện các chính sách thu hút đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế và có các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế tuyến huyện, xã, thị trấn, cần phải tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy chế chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Phát triển mối quan hệ đối tác với các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa tuyến trên nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng các thành tựu tiên tiến, hiện đại cho sự phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện.

9. Đổi mới mạnh mẽ hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Y tế. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ, giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho người dân.

10. Hệ thống tài chính y tế cần đổi mới theo hướng minh bạch, hiệu quả thông suốt: Thực hiện nguyên tắc y tế công cộng do ngân sách nhà nước bảo đảm là chủ yếu. Khám, chữa bệnh do bảo hiểm y tế và người dân chi trả. Chăm sóc sức khoẻ ban đầu do bảo hiểm y tế, người dân và ngân sách nhà nước cùng chi trả; bảo hiểm y tế đối với người lao động phải do người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng góp; ngân sách nhà nước bảo đảm đối với một số đối tượng chính sách. Tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách hỗ trợ về đất, tín dụng … để khuyến khích các cơ sở y tế đầu tư mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế. Đa dạng hoá các hình thức hợp tác công - tư, bảo đảm minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt công - tư trong cung cấp dịch vụ y tế. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở y tế (kể cả trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu), tập trung vào cung cấp dịch vụ cao cấp, theo yêu cầu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở y tế.

11. Phát huy mạnh mẽ công tác truyền thông: Tăng cường cũng cố, phát triển mạng lưới truyền thông từ huyện đến thôn, xóm, bản, làng; xây dựng các thông điệp, nội dung truyền thông phù hợp để người dân dễ nhớ, dễ hiểu, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường rèn luyện thân thể, tập thể dục, thể thao, dinh dưỡng hợp lý; nhận thức đúng về lợi ích của tiêm chủng; khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật; nói không với ma túy; hạn chế tác hại thuốc lá, rượu, bia, đồ uống có cồn, có ga; thực hiện ăn chín, uống sôi; gữi gìn vệ sinh môi trường sống, sử dụng nước sạch, nhà tắm nhà tiêu hợp vệ sinh.

Trên cơ sở mục tiêu và các chỉ tiêu đã đề ra, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan căn cứ vào chức năng nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; về công tác dân số trong tình hình mới. Tích cực phối hợp với ngành y tế, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong từng giai đoạn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

 

Phi Hưng (Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 963.170
Truy cập hiện tại 58