Chủ tịch Từ người đi đầu phong trào “ biến cát thành vàng”
Cách đây không lâu, xã Phong Hải được mệnh danh là vùng gió cát. Người dân ở đây chỉ có độc một nghề là đi biển, mà đi biển thì ngày được ngày mất và mỗi khi trái gió trở trời thì chỉ biết chờ trời. Từ quốc lộ 49B đến Phong Hải chỉ chừng 1km nhưng có cảm giác vùng quê biển này là một thế giới khác so với các xã miệt ruộng chỉ vì cát. Cát trải dài mênh mông, cát tạo nên thành gò, thành động… và chắc chắn một điều vùng cát này từ xưa đã hoang hóa, không thể mang lại cho con người một lợi ích kinh tế nào. Phải đến những năm đầu của thế kỷ XXI, phong trào nuôi tôm trên cát bắt đầu phát triển ở một số tỉnh miền Nam và sau đó một số vùng quê ven biển khác của TT Huế cũng bắt đầu nuôi tôm trên cát. Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Viết Từ đang là Phó chủ tịch UBND xã Phong Hải được lãnh đạo xã phân công tìm hiểu và nghiên cứu quy trình nuôi tôm trên cát để triển khai cho bà con trong xã. Ông Từ nhớ lại: “ Được phân công tui đã cất công đi tìm hiểu ở một số tỉnh miền Nam và cả ở một số xã lân cận nhưng thấy mô hình nuôi tôm sú khá phiêu lưu; thứ nhất là loài tôm này sức khỏe yếu, thứ hai là việc xây dựng hồ nuôi còn nhiều điểm chưa hợp lý…”. Từ kết luận của ông Từ, ngư dân Phong Hải đã không vội vàng đầu tư nuôi tôm sú trên cát như một số xã lân cận và Phong Hải đã không bị “ thua bạc” vì tôm như một số nơi…
Thế rồi khi mô hình đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi ở các hồ trên cát thành công; Chủ tịch UBND xã Phong Hải Nguyễn Viết Từ lại cất công đi tham quan học tập thêm một lần nữa các mô hình ở các nơi. Sau chuyến đi này và sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông đã quyết định đưa một số diện tích vào nuôi thử nghiệm. Không ai khác, chính ông Từ là người tiên phong nuôi tôm thẻ chân trắng ở Phong Hải: “ Mình phải làm thực tế người dân mới tin…”. Vụ đầu tiên tuy số lãi từ nuôi tôm thẻ chân trắng không cao, nhưng trên thực tế sức chống chịu của loài thủy sản này đã làm an tâm những người nuôi. Sau vụ này, chương trình khai thác cát hoang hóa để đưa vào nuôi tôm thẻ chân trắng đã được đưa vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã.Theo số liệu thống kê mới nhất của UBND xã Phong Hải, toàn xã có 63 ha tôm với 50 nhóm hộ gia đình tham gia nuôi. Riêng trong dịp giáp Tết năm ngoái đã thu hoạch được 820 tấn, trị giá hàng tỷ đồng. Con tôm thẻ chân trắng đã trở thành nguồn thu nhập lớn cho nhiều gia đình, đồng thời giải quyết việc làm cho gần 300 lao động tại địa phương có công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định. Về Phong Hải trong vụ thu hoạch tôm có người nói vui: “ Ngày trước làng quê này chờ nguồn viện trợ USD của người thân bên nước ngoài; bây giờ không khéo tụi tui còn gửi tiền hỗ trợ cho bà con ở xa…”. Và người dân Phong Hải cũng gọi Chủ tịch Từ là ông Chủ tịch biết “ biến cát thành tôm”.
…Và “ ngài” Chủ tịch đi đầu trong công nghệ thông tin cấp cơ sở
Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, Phong Hải đã trở thành xã đầu tiên cả nước có trang thông tin điện tử với địa chỉ truy cập phonghai.thuathienhue.gov.vn.Đây được xem là một sự kiện trong đời sống kinh tế xã hội của địa phương vùng xa này.
Bấm nút khai trương trang thông tin điện tử xã Phong Hải
Thời gian qua, xã Phong Hải đã có nhiều nỗ lực trong công tác xây dựng, phát triển kinh tế xã hội nhưng trên thực tế đại phương này vẫn còn đó những hạn chế như công tác điều hành còn chậm, công tác tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật đến với người dân chưa kịp thời; đặc biệt là chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của địa phương, nhất là trong việc quảng bá các hình ảnh sản phẩm của địa phương.Với việc xây dựng và đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và đặc biệt là nâng cao hiệu quả chất lượng công tác phục vụ nhân dân . UBND xã Phong Hải cũng đã xác định triển khai trang thông tin điện tử theo từng giai đoạn; trước mắt là cung cấp thông tin tất cả các sự kiện, hoạt động, văn bản… diễn ra trên địa bàn xã đến với người dân, giới thiệu đầy đủ các tiềm năng thế mạnh của địa phương nhằm quảng bá, thu hút sự ủng hộ, đầu tư của các tổ chức, cá nhân đối với xã Phong Hải. Ông Nguyễn Viết Từ, vị chủ tịch tiên phong trong lĩnh vực này cho biết: “Công nghệ thông tin đang là công cụ đắc lực tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến công cuộc cải cách hành chính và ảnh hưởng đến các mặt của đời sống xã hội nói chung. Trong giai đoạn tiếp theo, sau khi nhận thức của cán bộ, nhân dân trong xã về công nghệ thông tin được nâng cao; trang thông tin điện tử của xã Phong Hải sẽ triển khai một số dịch vụ công nhằm cung cấp công cụ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong xã tiến hành thủ tục hành chính nhà nước một cách hiệu quả….”
Có mặt tại buổi ra mắt trang thông tin điện tử của xã Phong Hải, lãnh đạo Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh TT Huế đã đánh giá rất cao bước đột phá về công nghệ thông tin của địa phương này. Được biết, Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông tỉnh TT Huế đã hỗ trợ rất tích cực cho xã Phong Hải xây dựng trang thông tin điện tử; đào tạo tập huấn cho cán bộ, công chức xã vận hành trang thông tin điện tử này. Ông Hồ Xuân Phán- Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TT Huế đánh giá: “ Chủ tịch UBND xã Phong Hải Nguyễn Viết Từ là một người dám nghĩ, dám làm. Chúng tôi đánh giá rất cao sự đi đầu của xã biên giới hải đảo Phong Hải trong việc tiên phong trên lĩnh vực công nghệ thông tin để phục vụ cho cải cách hành chính, phát triển kinh tế xã hội. Một điều đặc biệt nữa mà tôi thấy Phong Hải đã đi trước đó là mạng điện thoại nội bộ…”
Thay cho lời kết
“Ai về Phong Hải- Xin mời ghé lại- Vui đời dân chài…”. Câu hát yêu thương và thắm thiết tình quê đó đã được những người dân Phong Hải hát lên trong những ngày vui của quê hương mình. Sau hơn 35 năm giải phóng, từ một vùng quê nghèo chang chang cát trắng, xã Phong Hải, huyện Phong Điền đã từng bước đi lên để trở thành một vùng nông thôn mới điển hình trong thời kỳ đổi mới. Phong Hải để cùng cả nước phát triển chiến lược kinh tế biển đến năm 2020. Đảng bộ và nhân dân Phong Hải đang quyết tâm thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng nông thôn, ưu tiên hạ tầng giao thông, cấp nước sạch, các công trình phục vụ chế biến thủy sản, du lịch dịch vụ. Đẩy mạnh khai thác biển, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, xây dựng ngành thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển kinh tế địa phương. Với những thành quả trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, Phong Hải quyết tâm xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành xã anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, góp phần cùng cả tỉnh TT Huế tiến lên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương…
Cùng với nghề nuôi tôm trên cát, bây giờ về Phong Hải sẽ nghe rất nhiều về câu chuyện của thương hiệu nước mắm Phong Hải – Đảnh Vân mà chủ tịch Từ chính là người có ý tưởng thành lập và phát triển. Khi mới bắt tay đầu tư sản xuất, cơ sở chế biến nước mắm Đảnh Vân (xã Phong Hải, huyện Phong Điền) cũng gặp không ít khó khăn do nằm xa các trung tâm thương mại. Sản phẩm làm ra chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ. Tranh thủ vốn đầu tư khuyến công của tỉnh, sau một thời gian nghiên cứu thị trường, chú trọng kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, nước mắm Đảnh Vân đã tạo được sự chú ý của khách hàng và các đầu mối tiêu thụ nhiều nơi.Khi tên tuổi của Đảnh Vân được khẳng định, mỗi năm cơ sở đã sản xuất hơn 120.000 lít mắm, thị trường vươn tới Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Bình và xuất sang cả Thái Lan. Cơ sở Đảnh Vân đang xúc tiến đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất để mở rộng bán hàng đến TPHCM và Hà Nội.Chị Đảnh cho biết, nhờ sản xuất hiệu quả, cơ sở đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động địa phương, với mức thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tháng. Nơi đây còn là “hậu phương” cho dịch vụ nghề cá của xã, mỗi năm tiêu thụ gần 100 tấn sản phẩm hải sản tại địa phương. Và tới đây nước mắm thương hiệu Đảnh Vân sẽ được xuất khẩu sang Mỹ và một số nước khác…
Thục Nhã (Báo thể thao & văn hóa số 309 ngày 5/11/2011)