Tìm kiếm tin tức
Nước mắm Phong Hải xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ
Ngày cập nhật 07/10/2011

Chế biến nước mắm là nghề truyền thống của người dân Phong Hải (Phong Điền). Tuy nhiên, do quy mô sản xuất hộ gia đình, nên từ lâu, nước mắm Phong Hải ít được nhiều người biết. Khoảng ba năm trở lại, cơ sở chế biến nước mắm Đảnh Vân (Phong Hải) được nhiều người biết đến và vươn xa ở nhiều vùng miền. Vào cuối tháng 4/2011 nước mắm Đảnh Vân sẽ xuất 4.000 lít sang thị trường Mỹ.

Khẳng định thương hiệu

Phong Hải là địa phương có nghề đánh bắt thủy sản và nghề chế biến nước mắm nổi tiếng. Tuy nhiên, từ năm 2006 trở về trước, nghề chế biến nước mắm bị mai một dần, do khó tiêu thụ, giá rẻ. Phần lớn bà con ngư dân chỉ chế biến nước mắm để sử dụng trong gia đình và bán cho người dân trong vùng. Việc tìm hướng để sản xuất hàng hóa lớn và thị trường tiêu thụ ổn định là trăn trở lớn đối với người dân, cũng như chính quyền địa phương.
Được UBND xã tạo điều kiện vay vốn, mặt bằng sản xuất kinh doanh..., năm 2006, chị Hoàng Thị Đảnh cùng chị Hồ Thị Vân hùn vốn mở cở sở sản xuất nước mắm có quy mô lớn. Sau hơn 3 năm hoạt động, đến nay cơ sở này có 21 bể ướp cá; công suất ướp 120 tấn cá/năm, mỗi năm ướp 2 vụ. Trước đây, nước mắm Phong Hải chỉ tiêu thụ ở vùng Ngũ Điền và một số vùng lân cận. Hơn 3 năm trở lại đây, nước mắm Đảnh Vân từng bước phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ rộng. Năm 2010, cơ sở chế biến nước mắm Đảnh Vân sản xuất 48.000 lít, tăng gần gấp đôi so với năm 2009, tiêu thụ mạnh trên các thị trường TP Huế, Phong Điền, Nam Đông, A Lưới, Đà Nẵng.... Nhờ có thương hiệu, nước mắm Đảnh Vân đã nhiều lần tham gia Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao; Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam ....

Nước mắm Đảnh Vân (Phong Hải) đóng chai chuẩn bị xuất ngoại

Chị Hoàng Thị Đảnh, chủ doanh nghiệp chế biến nước mắm Đảnh Vân cho biết: “Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, nên cơ sở gặp khó khăn trong việc chế biến, chất lượng không đảm bảo. Sau đó, nhờ các kỹ sư ngành thủy sản hướng dẫn về kỹ thuật chế biến, bảo quản... mới thành công được như ngày hôm nay. Nước mắm Đảnh Vân giờ đã có thương hiệu; được ngành y tế và Chi cục Đo lường chất lượng tỉnh đánh giá là sản phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để có nước mắm thơm ngon, mang mùi vị đặc trưng, cơ sở thường xuyên nâng cao kỹ thuật chế biến. Đồng thời, thu mua những loại cá tươi, được bà con ngư dân đánh bắt đưa vào bán liền, không mua những sản phẩm đã qua ướp đá”.

Triển vọng “xuất ngoại”

“Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thực khách, giải quyết lao động ở địa phương và tiêu thụ sản phẩm đánh bắt cho bà con, cuối năm 2010, cơ sở Đảnh Vân mở thêm một điểm chế biến nước mắm tại địa phương. Đồng thời, đơn vị liên kết với các đại lý ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... để chào hàng và mở rộng thị trường. Từ khi có thương hiệu, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó, có khi không đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng. Dù có mở rộng sản xuất, khách hàng đông nhưng chúng tôi vẫn đặt chất lượng lên hàng đầu, luôn giữ nét đặc trưng riêng của mình. Bởi giữ được nét đặc trưng riêng và ngày càng nâng cao chất lượng có nghĩa là giữ được thương hiệu của mình”. Chị Hoàng Thị Đảnh khẳng định.
Cơ sở sản xuất nước mắm Đảnh Vân đã giải quyết việc làm cho gần 20-25 lao động ở địa phương, với mức lương từ 1,5 đến 2,4 triệu đồng/người/tháng. Cùng với giải quyết lao động, cơ sở nước mắm Đảnh Vân cũng góp phần tiêu thụ một số lượng lớn sản phẩm đánh bắt cho người dân địa phương, bình quân mỗi năm tiêu thụ trên 120 tấn cá các loại. 

Không bằng lòng với kết quả đạt được, chị Đảnh và chị Vân còn nghĩ cách đưa nước mắm Phong Hải xuất ngoại. Từ việc người dân địa phương mua nước mắm Đảnh Vân gửi làm quà cho người thân định cư ở Mỹ, 2 chị nghĩ tại sao không tìm kiếm thị trường ở Mỹ. Thế là, 2 chị tìm hiểu thủ tục, hồ sơ; nước mắm Đảnh Vân được phía Chính phủ Mỹ đồng ý cấp quota nhập vào nước này với thời hạn 10 năm. Hiện, cơ sở nước mắm Đảnh Vân đang trong thời gian đặt in nhãn mác, đóng chai. Dự kiến, cuối tháng 4-2011, nước mắm Đảnh Vân sẽ xuất sang nước Mỹ với 4.000 lít nước mắm. Kế hoạch, sau khi xuất sang Mỹ, thị trường tiếp theo mà chị Đảnh và chị Vân nhắm tới là Pháp.

Trên địa bàn xã, ngoài cơ sở chế biến nước mắm Đảnh Vân đã có thương hiệu, hiện còn khoảng 80 cơ sở chế biến nước mắm chưa xây dựng thương hiệu. Vì vậy, để nước mắm Phong Hải xây dựng được thương hiệu, các cơ quan ban ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở chế biến nước mắm đầu tư mở rộng sản xuất và tiến tới xây dựng thương hiệu nhằm có điều kiện khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống.

 

Theo Thừa Thiên Huế online

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 955.980
Truy cập hiện tại 767