Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Ghi nhận từ bài báo
Ngày cập nhật 31/10/2012

Một buổi chiều, sau khi xem hết các tin tức cần thiết ở tờ báo Thanh niên chủ nhật, tôi lại bật máy tính vào trang Google bằng tiếng Việt, gõ hai từ “Phong Hải” với những mong xem được thông tin mới từ quê nhà qua website www.phonghai.thuathienhue.gov.vn nhằm giải khuây nỗi nhớ quê hương.

Bất chợt, bắt gặp bài viết: “Thừa Thiên Huế: Đi làm thuê là… chuyện lạ!”. Tôi lần tìm vào trang chủ của bài báo và biết được tác giả là Hoàng Văn Minh đăng trên Báo Lao động (số ra ngày 14/01/2011). Tôi cắm cúi đọc. Càng đọc, tôi càng buồn và xen lẫn cả sự bực bội, ấm ức. Sau khi đọc xong, tôi ngẫm nghĩ, suy luận, nhận định và so sánh với thực tế sự việc liên quan mà bài báo đề cập tại địa phương mình.

Mặc dù tính thời sự đã giảm nhiều, bởi bài báo đăng đàn đã gần 02 năm, nhưng tôi vẫn thật sự quan tâm và sự việc này dường như đang nóng hổi với tôi. Trước hết, tôi thầm cảm ơn tác giả đã nói lên sự thật đang diễn ra, ngay cả trong tư duy của “một bộ phận” thanh thiếu niên có lối sống, lối suy nghĩ thiển cận và tiêu cực, ăn chơi, ỷ lại. Tuy nhiên, điều làm tôi bực bội và khó chịu là: tác giả Hoàng Văn Minh đã nhân hóa sự việc quá mức. Hay nói cách khác, lối nói theo dân gian, tác giả đã “vơ đũa cả nắm”. Cụ thể, ngay phần đặt vấn đề, tác giả đã khẳng định: “Người dân đi làm thuê, chạy xe ôm, đi biển đánh cá… là chuyện quá đỗi bình thường đối với bất kỳ làng quê nào ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc người dân đi làm thuê, chạy xe ôm, đi biển đánh cá… đang được xem là… chuyện lạ đời!”. Bởi sự thật không phải hoàn toàn như vậy. Chính bản thân tôi, gia đình tôi cũng như người thân và bản bè, mỗi dịp về Phong Hải, khi muốn trở lại thành phố Huế, thì bất kể giờ nào cũng liên hệ được xe ôm kia mà! (nên nhớ tài xế xe ôm là người của địa phương này).
 
 
Song song đó, tác giả còn nhấn mạnh rằng: “người dân không đi biển đánh cá”. Nhưng mỗi khi “trời thanh, biển lặng”, tôi xuống biển đều thấy những ngư dân bám biển đánh bắt thủy, hải sản… hoặc ngư dân đang khôi phục ngư cụ (vá lưới, dặm mức …) để chuẩn bị ra khơi. Về nội dung này, tôi chỉ đồng tình, nếu tác giả viết rằng: “Người dân Phong Hải làm công việc đánh bắt thủy, hải sản ngày càng ít hơn”. Đồng thời cũng phải cần tìm hiểu thấu đáo hơn và phân tích nguyên nhân tại sao lai như vậy. Ông cha ta đã đúc kết: “Có ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Nguyên nhân và lý do dẫn đến việc ngày càng có ít người làm công việc đánh bắt thủy, hải sản chính là: Hầu hết tại địa phương này, người dân làm công việc đánh bắt hải sản bằng các ngư cụ thô sơ, với chiếc thuyền nan nhỏ bé. Trong khi đó, vào thời buổi này, cả nước nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng, ngày càng có nhiều tàu, thuyền hiện đại hơn đánh bắt xã bờ, tận thu nguồn hải sản, thì còn đâu nhiều hải sản cho những ngư dân đánh bắt gần bờ bằng những công cụ thô sơ (chưa kể những đội tàu, thuyền hùng hậu của Trung Quốc đang ngày đêm tận thu nguồn hải sản ở biển Đông). Đó là điều hiển nhiên! Bên canh đó, khí hậu thay đổi, trái đất nóng lên, … và đặc biệt là thời buổi đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm đưa đất nước thoát khỏi cảnh nghèo đói, sánh kịp tiến trình phát triển của thế giới; ngành công nghiệp phát triển, các khu công nghiệp hình thành, các công ty, nhà máy, xí nghiệp ra đời nhiều hơn. Khi hoạt động các công ty, xí nghiệp, nhà máy này đã thải chất thải chưa qua xử lý ra sông, hồ và đổ ra biển, làm ô nhiễm môi trường biển... Việc này đã được các nhà chuyên môn, Bộ Tài nguyên & Môi trường và các cấp có thẩm quyền của Nhà nước ta khẳng định là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm môi trường nước, dẫn đến cá chết hàng loạt, thậm chí, cây, cỏ nằm ven bờ các dòng sông đều bị hủy hoại. Từ đó, việc ảnh hưởng đến sự sống của các loài hải sản sống gần bờ biển là điều dễ hiểu. Và đây cũng là một lý do để một số ngư dân ở đây, ngày càng xa dần với nghề đánh bắt thủy, hải sản mà bao đời nay cha ông đã truyền lại. Bởi khi họ hành nghề mà nguồn thu không đủ để bù chi phí cho nhiên liệu, ngư cụ, chứ chưa nói đến công sức lao động của họ (ở đây, tôi không có ý bảo vệ hay cổ súy cho những thành phần là ngư dân nhác làm, siêng chơi).
 
Và, trong bài viết, tác giả có đưa nhân vật “Võ Khuyến - người dân thôn Hải Thành, xã Phong Hải”, nhưng có thắp đuốc cũng không tìm ra ông Võ Khuyến ở thôn này. Thậm chí họ của ông Chủ tịch xã cũng được tác giả Hoàng Văn Minh chuyển đổi thành họ “Lê”, trong khi tên đầy đủ của ông Chủ tịch xã này là: “Nguyễn Viết Từ”. Còn nữa, bài viết còn thể hiện sự mâu thuẫn là: Tác giả sử dụng cụm từ “cả làng ăn chơi”, nhưng ở phần cuối bài lại trích dẫn lời ông Chủ tịch xã nói: “Hiện toàn xã có 45ha tôm trên cát, nuôi 3 vụ” … rồi nào là “người nuôi tôm có thu nhập cao”. Thế thì ai nuôi?... Đoạn đầu bài viết, tác giả đã sai sót cả những kiến thức sơ đẳng: “… lịch sử “đáng nói” nhất của Phong Hải lại được kể từ thời điểm những năm 1980 của thế kỷ này”. Những năm “1980” tại sao lại thuộc thế kỷ này? Phải là thuộc thế ký trước chứ! (thuộc thế kỷ XX, còn bây giờ đã là thế kỷ XXI rồi!). Lại nữa, tác giả Hoàng Văn Minh, một nhà báo có thể xem là lão gia trong làng báo Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, là phóng viên đại diện, thường trú tại Huế nhưng khi viết bài này, không thật sự mang tính phản ánh, phê bình, góp ý… cho địa phương, vậy nên, ông đã sử dụng những từ ngữ rất khó nghe, như: “…vẻ đẹp của những “di sản” đó là kết tinh của sự… điên rồ” (có cần thiết sử dụng từ “điên rồ” này không?).
 
Tóm lại, trong bài viết mà tôi đề cập ở trên của tác giả Hoàng Văn Minh, người đọc nói chung và độc giả là người Phong Hải nói riêng chỉ ghi nhận: “sự đánh động, phê bình “một số” dân cư ăn chơi, chưa có việc làm, hoặc chưa chủ động tìm kiếm việc làm”, chứ không phải “cả làng đều ăn chơi”- như tác giả đề cập. Qua đó, với tinh thần cầu thị để vươn lên, những người con của quê hương Phong Hải, cần nhận ra những khiếm khuyết, thiếu sót để khuyên răn, vận động và định hướng con em, người thân mình tìm kiếm công ăn, việc làm, học tập, nâng cao trình độ, kiếm tìm những công việc thích hợp, hiệu quả hơn, nhằm góp phần mình, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp và tươi sáng hơn.
              HOÀNG PHƯỚC
                (Hoangphuoc020171@yahoo.com)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 955.980
Truy cập hiện tại 637