Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Phong Hải ngày mới
Ngày cập nhật 04/02/2012

Cuối năm 2011, xã Phong Hải (huyện Phong Điền) thu hút sự quan tâm của nhiều người khi trở thành xã đầu tiên của Thừa Thiên Huế có trang thông tin điện tử phục vụ hoạt động điều hành của chính quyền cấp xã. Từ một xã vùng biển khó khăn mấy năm trở lại đây, Phong Hải đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một điểm sáng trên hành trình xây dựng nông thôn mới.


Như có phép màu
Chúng tôi có dịp trở lại Phong Hải vào một ngày đầu năm mới 2012 và được chứng kiến nhiều đổi thay của xã ven biển này. Bên cạnh các công trình điện, đường, trường, trạm... là hệ thống giao thông liên vùng, liên thôn được bê tông hoá... đã mang lại cho Phong Hải sức sống mới của một vùng quê trù phú.
Những năm sau giải phóng, Phong Hải là một trong những xã nghèo của huyện Phong Điền. Kinh tế khó khăn, nhiều người dân đã tìm cách vượt biên... Khi có tiền từ người thân ở nước ngoài gửi về, nhiều gia đình lại đua nhau đầu tư xây dựng lăng mộ, tạo nên một “phong trào” thật rầm rộ. Nhiều người dân chỉ biết sống nhờ vào nguồn USD của người thân từ nước ngoài gửi về mà chẳng mấy quan tâm đến việc phát triển kinh tế. Tệ nạn xã hội phát sinh, nhất là tình trạng cờ bạc, rượu chè... Đây cũng là thời điểm mà tỷ lệ thất nghiệp của địa phương này thuộc vào hàng cao nhất tỉnh. Thật đáng mừng là tổ chức Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân ở đây sớm nhận ra sự lệch lạc này và quyết tâm chung tay xây dựng cuộc sống mới. Như có phép màu, những năm trở lại đây, Phong Hải đã thay đổi hẳn và trở thành địa phương đi đầu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, cải cách hành chính và các hoạt động văn hóa xã hội.
 
Ngoài việc hình thành và đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử theo hướng xây dựng chính quyền điện tử và kết nối thông tin về mọi mặt của địa phương, năm 2011 còn đánh dấu một bước phát triển mới của Phong Hải với việc tổ chức thành công Lễ hội Cầu Ngư vào dịp Tết Độc lập của dân tộc, trở thành “sự kiện” của xã từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay. Có thể nói đây là lễ hội của “ý Đảng, lòng Dân”, thu hút sự tham gia của hàng vạn người dân địa phương, bà con Phong Hải xa quê và du khách gần xa. Lễ hội làm sống lại một nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đậm đà màu sắc văn hóa dân gian; đồng thời thể hiện khát vọng vươn ra khơi xa. Cùng với phần lễ, dịp này còn có các hội thi đan lưới, kéo co, bóng đá, bóng chuyền... và các hoạt động thả hoa đăng trên biển, hội diễn văn nghệ... để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người dân và du khách.


Đồng chí Nguyễn Đại Vui. PBT huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện trao cờ lưu niệm

Cuộc sống khấm khá, chính quyền và người dân Phong Hải đã quan tâm phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng... theo hướng xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng năm sau tăng hơn năm trước. Trường tiểu học Phong Hải được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia. Phong Hải đã thành lập quỹ khuyến học, hàng năm tổ chức phát thưởng cho những em có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện và hỗ trợ cho các giáo viên dạy giỏi. Năm học 2010-2011, Quỹ Khuyến học Phong Hải đã phát thưởng với tổng giá trị 32 triệu đồng. Hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho người dân cũng được đầu tư thoả đáng... Trạm y tế xã được quan tâm cả về cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ cán bộ nhân viên... trở thành một trong những trạm y tế xã đạt chuẩn của huyện Phong Điền. Đời sống văn hoá tinh thần và công tác vệ sinh môi trường ở nông thôn cũng có những thay đổi tích cực... 


Thu hoạch tôm chân trắng ở xã Phong Hải


Phát triển kinh tế bền vững
Ông Nguyễn Viết Từ, Chủ tịch UBND xã Phong Hải không giấu được niềm vui khi nói đến tình hình phát triển kinh tế của xã. Từ một địa phương có nghề đánh bắt thủy hải sản gần như “đóng băng”, sau mấy năm phục hồi, đến nay Phong Hải có 90 thuyền máy, 17 chiếc thuyền chèo. Ngư dân ở đây đã bổ sung ngư lưới cụ, chuyển đổi và hình thành các loại hình khai thác mới có hiệu quả kinh tế cao, năng suất khai thác thuỷ sản bình quân hàng năm đạt trên 900 tấn. 
Theo lời chỉ dẫn của những người dân nơi đây chúng tôi đến thăm các khu vực nuôi tôm của xã. Nhìn từ phía rừng phòng hộ, những hồ nuôi tôm nằm san sát nhau, kéo dài ra tận biển, mỗi hồ có diện tích khoảng 4.000m2. Trước đây, địa phương này chỉ có 14 ha nuôi tôm sú chủ yếu là tự phát nhưng do hiệu quả thấp, tôm sú dễ mắc bệnh và thời gian nuôi lại kéo dài từ 6 đến 7 tháng, nên người dân ở đây chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện nay trên toàn xã có 63 ha tôm với 50 hộ gia đình tham gia nuôi, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động tại địa phương. Năng suất đạt 90 tấn/năm với thu nhập 90 tỷ đồng/năm. Nhiều gia đình đã làm giàu từ việc nuôi tôm trên cát.
 
Diện tích nuôi tôm của xã Phong Hải đứng đầu huyện Phong Điền, thế nhưng hiện tại nhiều khu nuôi tôm vẫn chưa có hồ xử lý nước thải. Giải thích về vấn đề này ông Nguyễn Viết Từ cho biết: “Sau khi có chủ trương của huyện, xã đã chỉ đạo người dân tạm dừng nuôi tôm để đầu tư vào xây dựng hồ xử lý nước thải. Theo quy định, cứ 10 hồ nuôi phải có một hồ xử lý nước thải với vốn đầu tư mỗi hồ là 300 triệu đồng. Xã đã có các phương án khác làm giảm ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời nuôi ghép thêm một số loại cá dọn bể giúp làm sạch đáy hồ”.


Đ/c: Hồ Bê, tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, CT HĐND huyện thăm mô hình nuôi tôm ở xã Phong Hải

Chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cũng được quan tâm phát triển; đặc biệt chú trọng phát triển ngành sản xuất và chế biến nước mắm với thương hiệu nước mắm Đảnh Vân. Trong năm 2010, Phong Hải đã sản xuất được 120.000 lít và tham gia các hội chợ Festival, hội chợ thương mại quốc tế. Nhờ đầu tư bài bản nên sản phẩm nước mắm do cơ sở làm ra không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn Thừa Thiên Huế và nhiều tỉnh thành khác như Quảng Trị, Quảng Bình, TP. Hồ Chí Minh… Hiện nay nước mắm Đảnh Vân còn được chính phủ Mỹ cấp quota nhập khẩu vào nước này với thời hạn 10 năm. Một điều khá bất ngờ là tuy không phải là xã trồng lúa nhưng nhiều hộ dân Phong Hải đã mạnh dạn đưa mô hình trồng nấm rơm vào sản xuất. Để thực hiện mô hình này những người này phải vào các xã Điền Hải, Điền Hòa, Điền Lộc để mua rơm về sản xuất và bước đầu đã thu được nhiều kết quả khả quan. Hiện tại thôn Hải Thế đã có 7 trang trại trồng nấm rơm với thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Viết Từ cho hay: "Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã hiện nay đạt trên 35 triệu đồng/người/năm. Để có được những kết quả đó là nhờ vào sự nỗ lực của bà con trong toàn xã. Chính quyền xã luôn vận động bà con chăm lo phát triển kinh tế bền vững gắn với các hoạt động tiết kiệm. Bà con đã có ý thức hơn trong việc tiết kiệm, không tổ chức đám tiệc rình rang, xây lăng mộ mà đóng góp vào xây dựng quỹ hạ tầng nông thôn". Còn nhiều người dân ở đây khi được hỏi nhờ đâu mà nền kinh tế, xã hội của xã có những bước phát triển như vậy thì đều trả lời: "Đó là sức mạnh của "Ý Đảng lòng dân" trong việc xây dựng quê hương giàu đẹp...
             Tâm Anh – Hoàng Loan (theo báo Thừa Thiên Huế số 628 từ ngày 3 đến 5-2-2012)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 955.980
Truy cập hiện tại 783