Tìm kiếm tin tức
Quê hương - Những điều cảm nhận
Ngày cập nhật 15/05/2012

Trong chúng ta, có ai xa quê mà không một lần nhớ quê? Hai tiếng “quê hương” đầy thân thương và rất đỗi tự hào mỗi khi nhắc đến. Đặc biệt là quê hương Phong Hải, một miền quê cát trắng - trải dọc theo bờ biển, với những rặng phi lao thường cất tiếng ngân nga trước sóng biển mỗi khi chiều tà hay réo rắt những lúc ông trời nổi cơn thịnh nộ; với hình ảnh những người dân chài cùng với ngư cụ bám biển ngày đêm… thì lại càng thân thương và tự hào hơn. Hình ảnh làng Hải Nhuận - quê tôi luôn hiển hiện trong tâm trí của mỗi con người của xứ sở cát trắng “tinh khôi” ở mọi lúc mọi nơi. Nhưng vì điều kiện, hoàn cảnh, cách sống, lối suy nghĩ và cảm nhận của từng người, từng nhà … mà đôi khi phải gác lại để lo toan cuộc sống hay kiếm kế mưu sinh nơi đất khách quê người.

Còn với người ở lại thì sao? Họ không phải là người vô tâm, không có cảm giác nhớ quê, bởi chính họ đang sống, lao động, học tập,… gắn kết với quê hương, bảo vệ và gìn giữ quê hương. Cuộc sống thường nhật của họ rất gần gũi với quê hương, được mảnh đất quê hương ôm trọn và bao bọc họ … Có nghĩa là: “không có khoảng cách nên không có cái cảm giác nhớ nhung, luyến tiếc”, hay “chưa xa” thì chưa cảm nhận được nỗi nhớ nhung mà thôi. Cũng như trong cuộc sống thường ngày của chúng ta: “cái gì chưa mất đi thì chúng ta chưa cảm thấy nuối tiếc, thậm chí còn không biết gìn giữ, trân trọng…”. Trong tình mẫu tử, phụ tử, tình huynh đệ,… tình yêu đôi lứa và cả trong mối quan hệ giữa người với người cũng vậy. Bởi thế, dân gian ta đã đúc kết rằng:
 
“Gần nhau cảm thấy bình thường
Xa nhau mới thấy tình thương dạt dào”

Vì vậy, người đi xa, ý thức về quê hương lắm khi lại biểu hiện còn gần gũi hơn, dạt dào tình cảm hơn người đang ở trên quê hương. Cố thi sĩ Chế Lan Viên đã từng viết:

 
“Khi ta ở đất chỉ là nơi ta ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn...”

Hình ảnh “đất” chỉ là vật vô tri vô giác, nhưng khi xa mới thấy được “linh hồn” của nó. Thật là đáng quý và trân trọng biết bao! Phải chăng đó là tâm hồn nhạy cảm của người đi xa đối với đất, hay ngược lại, “đất” ở đây đã được gắn bởi một tâm hồn người, một tính cách, một lẻ sống đối với những ai từng hoài vọng, trông ngóng cố hương, khi phải sống nơi đất khách quê người? Có phải nỗi nhớ mong ấy, càng tròn trịa hơn, sâu lắng hơn, quyện chặt hơn … bởi nơi ta cất tiếng khóc chào đời, bà mụ (bà đỡ) hay người thân thuộc của ta đã chôn “cái nhau” vào lòng đất. Bình thường, đó chỉ là sự tan biến hư vô theo quy luật vận động của tự nhiên, nhưng mỗi khi nỗi nhớ bồn chồn, đầy thổn thức như nhắc nhỡ ta nghĩ đến kỷ niệm đầu đời đã hòa quyện vào lòng đất mà cha ông ta từng nói rằng “nơi chôn rau cắt rốn” ? … Nói như thế, không có nghĩa là: “chỉ những người được sinh ra trên mảnh đất quê hương mới nhớ nhung và bồi hồi về quê hương”. Mà, ngay cả những người được sinh ra và lớn lên trên đất khách quê người nhưng lòng vẫn “trĩu nặng” nỗi niềm nhớ quê, khi được người thân quan tâm, nhắc nhỡ và dạy dỗ hay kể về gốc tích của mình.
 
Cuộc đời mênh mông, dòng đời vô tận! Những cánh chim non rồi cũng trưởng thành và rời tổ, người xa quê bằng những chuyến tàu vượt thời gian, không gian và biển cả mà lòng quặn nặng những lo toan, trăn trở giữa đời thường vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo. Trong số đó, rất ít người có được diễm phúc trở lại quê hương, lắng nghe dòng hồi ức chảy ngược về nơi những con đường đầy hoa lá, cỏ dại, về những mùa nắng gắt, gió Lào, những mùa mưa dầm dề, tầm tả, giá rét cắt da cắt thịt, áo không đủ ấm, cơm không đủ ăn như làng quê Hải Nhuận chúng ta. Nơi ấy bây giờ, các em thơ ngày hai buổi vẫn đi về và biết nuôi hy vọng cũng như bao lớp đàn anh, đàn chị đi trước; và nơi ấy mẹ, cha ta vẫn đi, về hằng ngày với nỗi nhớ mong con, cháu đang ở nơi những miền xa qua những buổi chiều tà, sau khi đã hoàn tất công việc; hay hình ảnh ông, bà tựa cửa nhìn về phía xa xa cuối chân trời, với những mong có ánh ráng hồng báo hiệu một ngày mai nắng đẹp và trông mong những đứa cháu trở lại thăm quê…
 
Quy luật cuộc đời là vậy! Thật nhiều lo toan, đầy chông gai và cũng lắm hạnh phúc, khi chúng ta biết lao động, học tập, biết hy vọng... và có những dòng hồi tưởng đẹp để không hổ thẹn với chính bản thân mình, với quê hương, đất nước cho dù trong đó có những vui, buồn lẫn lộn. Bởi vậy, những lúc thả hồn mình trở lại với mảnh đất quê hương bằng dòng ký ức, mới thẩm thấu hết cái giá trị đích thực của những gì còn đọng lại trong tâm can của mỗi con người chúng ta.
 
Thiết nghĩ, để giá trị đích thực đó càng được nhân lên gấp bội và càng có ý nghĩa hơn, tất cả chúng ta - những người con của làng quê Hải Nhuận, mỗi người mỗi việc, cùng chung tay quan tâm xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp hơn, định hướng tương lai cho lớp trẻ ngày một tươi sáng hơn.
                                Hoàng Phước (Hoangphuoc020171@yahoo.com)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 936.569
Truy cập hiện tại 3.267